-
Giỏ hàng của bạn trống!
THIAMIN – VITAMIN B1: VAI TRÒ ĐỐI VỚI CƠ THỂ NGƯỜI
04/01/2022
-
0 lượt xem
THIAMIN – VITAMIN B1: VAI TRÒ VÀ NHU CẦU ĐỐI VỚI CƠ THỂ NGƯỜI
Vitamin B1 là một loại vitamin tan trong nước, được tìm thấy tồn tại nhiều dạng như tự nhiên trong một số loại thực phẩm, hoặc được thêm vào thực phẩm, hoặc dạng chế phẩm bổ sung. Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong chuyển hoá đường và chất béo nên rất cần cho não và tim; còn thúc đẩy phát triển và chức năng của các tế bào khác nhau trong cơ thể. Vitamin B1 được đào thải qua nước tiểu.
Chức năng cụ thể của vitamin B1
- Rất cần thiết cho chuyển hoá đường tạo ra năng lượng (khử cacboxyl của các ketoacid). Đường từ máu vào tế bào và chuyển thành acid pyruvic, sau đó vitamin B1 chuyển acid pyruvic thành acid oxaloacetic để vào chu trình Krebs tạo nhiều năng lượng. Vitamin B1 giúp sử dụng đường có hiệu quả trong tế bào và giảm toan máu do acid lactic.
- Cùng enzym transketolase trong chuyển đổi hexose và pentose phosphate. Cần cho quá trình tổng hợp acid ribonucleic (RNA), acid deoxyribonucleic (DNA) là những acid liên quan di truyền và một phần trong phục hồi vết thương.
- Đóng vai trò trong sản xuất và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin.
- Chuyển hoá một số acid amin thiết yếu như leucin, isoleucin và valin.
- Cần cho quá trình tổng hợp NADP (nicotinamid adenin dinucleotid phosphat) khử, để tổng hợp acid béo không bão hoà. Acid béo không bão hoà là yếu tố cần thiết cho cấu tạo màng tế bào, các tổ chức liên kết, tổ chức thần kinh,…
Nhóm người có nguy cơ thiếu vitamin B1
- Nghiện rượu
- Cao tuổi ( > 60 tuổi): có thể do ăn ít, kết hợp bệnh mạn tính, sử dụng nhiều loại thuốc hoặc do lão hoá gây giảm hấp thu
- Nhiễm HIV/AIDS
- Đái tháo đường type 1 hoặc type 2: có nguy cơ cao thiếu vitamin B1. Đái tháo đường type 1 thiếu hụt cao hơn type 2. Có thể do tăng đào thải qua thận.
- Đã từng phẫu thuật giảm cân gây kém hấp thu có thể nghiêm trọng nên thường được khuyến cáo bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Một số triệu chứng do thiếu vitamin B1
- Bệnh beriberi thể khô do thiếu nghiêm trọng: gây thiếu sót thần kinh ngoại biên. Dị cảm các ngón chân, nóng bàn chân (nghiêm trọng về đêm), vọp bẻ bắp chân, đau cẳng chân và khô bàn chân. Cơ bắp chân yếu (nhận định sớm ở tư thế ngồi xổm rồi đứng lên sẽ thấy khó), giảm cảm giác dao động ở ngón chân. Đau đa thần kinh, ảnh hưởng các cánh tay.
- Bệnh beriberi (thể ướt) tim mạch: bệnh cơ tim do thiếu hụt. Giãn mạch máu, nhịp tim nhanh, hiệu áp rộng (huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương), ra mồ hôi, nhiễm toan lactic. Sau đó, suy tim phát triển, gây khó thở khi nằm, phù phổi và phù ngoại biên. Hoặc nặng dẫn đến sốc.
- Bệnh beriberi trẻ em (thường trẻ sơ sinh từ 3 đến 4 tuần tuổi). Suy tim, mất tiếng, mất phản xạ dây chằng sâu.
- Hội chứng Wernicke-Korsakoff do thiếu nghiêm trọng khi lạm dụng rượu: nhầm lẫn, tâm thần, giật nhãn cầu, mất ngủ, liệt cơ mắt, mất phối hợp cơ và bệnh thần kinh ngoại biên.
- Một số triệu chứng với sự thiếu hụt nhẹ đến trung bình:
- Mất cảm giác ngon miệng
- Giảm cân
- Mệt mỏi
- Khó chịu
- Lú lẫn, mất trí nhớ
- Yếu cơ
- Rối loạn nhịp tim
- Buồn nôn, nôn
- Khó thở
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên
- Giảm khả năng miễn dịch
Khi có một trong những triệu chứng gợi ý thiếu vitamin B1 dù nhẹ hay nặng thì trước hết cần đến bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng liều. Mục đích: sống vui khoẻ mỗi ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo liều vitamin B1 uống 10 mg/ngày và trong một tuần, sau đó 3 – 5 mg/ngày trong ít nhất 6 tuần để điều trị tình trạng thiếu vitamin B1 nhẹ ở người lớn. Tình trạng thiếu hụt trầm trọng cần tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
Tiêu thụ dư lượng vitamin B1 có gây ngộ độc không?
Chỉ từ nguồn thực phẩm tự nhiên thì không có khả năng đạt đến mức độc hại của vitamin B1. Khi nạp vào cơ thể lượng quá cao vitamin B1 từ thực phẩm tự nhiên, cơ thể sẽ hấp thu ít chất dinh dưỡng hơn và thải hết lượng dư thừa qua nước tiểu. Không có mức độc hại nào của vitamin B1 từ thực phẩm tự nhiên.
Tuy nhiên, phải lưu ý trường hợp:
- Cơ địa dị ứng
- Hoặc, khi sử dụng chế phẩm bổ sung lượng lớn có một số triệu chứng do thừa vitamin B1 như: đau dạ dày, dị ứng, khó thở, màu môi chuyển sang xanh, phân có máu, nôn ra máu,…
- Hoặc, có bệnh nền như tim mạch, thận,… nhưng đang thiếu vitamin B1 và cần bổ sung vitamin B1 từ chế phẩm
Bệnh nhân cần trực tiếp liên hệ bác sĩ để có hướng xử trí sớm và được hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm bổ sung phù hợp cho mỗi cá nhân. Mục đích: sống vui khoẻ mỗi ngày.
Vitamin B1 và sức khoẻ
Một số bệnh liên quan vitamin B1
Hội chứng Wernicke-Korsakoff
Hội chứng này là một trong những di chứng thần kinh nặng nhất của việc lạm dụng rượu. Đối với bệnh nhân nghiện rượu mà chế độ ăn uống đầy đủ vitamin B1 và không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh não Wernicke thì uống chế phẩm vitamin B1 ở liều dự phòng thích hợp. Nếu bệnh nhân có nguy cơ cao (như mất điều hoà, lú lẫn và có tiền sử lạm dụng rượu mạn tính) hoặc có bệnh não Wernicke để điều trị thì cần tiêm tĩnh mạch.
Đái tháo đường
Người đái tháo đường type 1 và 2 có tình trạng nghèo vitamin B1 dựa trên sự giảm hoạt động của men transketolase trong hồng cầu. Một số nghiên cứu cho thấy rõ sự thiếu hụt vitamin B1 trong bệnh thần kinh do đái tháo đường. Bằng chứng về lợi ích của vitamin B1 trên việc cải thiện một phần tổn thương tế bào vi mạch, thần kinh và thận ở bệnh nhân đái tháo đường đã được phát hiện trước đấy. Một vài nghiên cứu nhỏ cho thấy bổ sung 150 – 300 mg/ngày vitamin B1 có thể giảm lượng đường máu ở đái tháo đường type 2 hoặc rối loạn dung nạp đường. Tuy nhiên, đây là những nghiên cứu nhỏ nên không khuyến cáo bệnh nhân sử dụng liều trên để điều trị.
Suy tim
Bệnh nhân suy tim có lượng vitamin B1 trong máu thấp do lão hoá, bệnh đi kèm, ăn uống không đủ chất, điều trị bằng thuốc lợi tiểu và nhập viện thường xuyên. Minh chứng trong hai nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin B1 cải thiện đáng kể phân suất tống máu thất trái. Tuy nhiên, nghiên cứu nhỏ, số lượng ít nên cần nghiên cứu thêm giá trị lợi ích của vitamin B1 trong suy tim.
Bệnh Alzheimer’s
Theo các nghiên cứu trên mô hình động vật, sự thiếu hụt thiamin có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh Alzheimer. Ví dụ, thiếu thiamin tạo ra căng thẳng oxy hóa trong tế bào thần kinh, làm chết tế bào thần kinh, mất trí nhớ, hình thành mảng bám và thay đổi chuyển hóa glucose – tất cả các dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu khám nghiệm tử thi đã chỉ ra rằng men transketolase và các enzym phụ thuộc thiamin khác đã làm giảm hoạt động trong não của những người mắc bệnh Alzheimer.
Rất ít nghiên cứu đã đánh giá mức độ phổ biến của tình trạng thiếu thiamin ở những người bị bệnh Alzheimer. Một trong những nghiên cứu này cho thấy 13% trong số 150 bệnh nhân bị suy giảm nhận thức và rối loạn hành vi khởi phát cấp tính được coi là thiếu thiamin dựa trên nồng độ trong huyết tương.
Gần đây (năm 2020), thí nghiệm của tiến sĩ G.E. Gibson tại Viện Thần kinh Burke, liệu pháp điều trị bằng thiamin liều cao, kéo dài 12 tháng có cải thiện nhận thức ở những người bị suy giảm nhận thức nhẹ và Alzheimer nhẹ.
Tuy nhiên, bệnh nhân Alzheimer không tự sử dụng thiamin liều cao, kéo dài. Khi bệnh phải được chuyên gia đánh giá tình trạng bệnh lý để đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất
Nguồn tài liệu:
- Fauci S.A. and et al. (2018), Harrison’s Principle of Internal Medicine, US: The McGraw Hill Education, 20th ed., pp. 2305
- TS. Hoàng Kim Thanh, Viện dinh dưỡng, http://vichat.viendinhduong.vn/116/print-article.html
- Chan H.T., Thiamin – Vitamin B1, Harvard school of public health, truy cập 05/12/2021, từ https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/vitamin-b1/.
- Thiamin, MSD MANUALS, truy cập 05/12/2021, từ https://www.msdmanuals.com/vi/chuyên-gia/rối-loạn-dinh-dưỡng/sự-thiếu-hụt,-sự-phụ-thuộc-và-nhiễm-độc-vitamin/thiamin
- Thiamin, National, Institutes of Health (NIH), truy cập 05/12/2021, từ https://ods.od.nih.gov/factsheets/Thiamin-HealthProfessional/#en2
- DRIs của US: http://www.ods.od.nih.gov/Health_Information/Dietary_Reference_Intakes.aspx
- DRIs của Canada: http://www.hc-sc.gc.ca/fn-an/nutrition/reference/table/index-eng.php
- http://www.healthyeating.sfgate.com/difference-between-dri-daily-value-9708.html